Trong một chương huy hoàng của điện ảnh Ý khi chủ nghĩa tân hiện thực lên đỉnh cao, bậc thầy làm phim vĩ đại Vittorio de Sica đã cho ra đời Miracle in Milan nói về đời sống cơ cực của những con người sống nơi ngoại ô Milan

Điện ảnh Ý: Di sản những giấc mơ  第1张

Từ trái qua: Cảnh trong các phim Io Capitano, Rapito và La Chimera

Và trong một tác phẩm vốn bắt rễ từ hiện thực, ấy thế mà vào cảnh cuối cùng, bỗng nhiên một phép màu diễn ra: tất cả những thị dân bị đàn áp ấy bỗng cưỡi chổi bay vút lên trời.

Điện ảnh Ý có lẽ đã luôn là vậy: dù dệt nên trên tấm vải hiện thực thì trên đó vẫn luôn thêu những giấc mơ. Nhà làm phim huyền thoại người Ý Fellini cũng từng nói một ý tương tự: "Nói về phim cũng giống như nói về giấc mơ, vì điện ảnh dùng ngôn ngữ của giấc mơ".

Các tác phẩm được chọn lựa bởi Liên hoan phim Ý 2024, diễn ra từ ngày 23 đến 28-9 tại Hà Nội, một lần nữa nối dài di sản giấc mơ ấy.

Trú chân giữa những cồn cát mơ

Chọn một đề tài không thể hiện thực và gai góc hơn - người nhập cư, nạn buôn người từ Phi châu, Io Capitano (Thuyền trưởng) của đạo diễn Matteo Garrone, đôi khi vẫn dấn thân vào cõi mơ bởi nếu không có những giấc mơ vượt thoát ấy thì còn cách nào cho con người tìm chốn trú ẩn giữa thực tại tàn bạo?

Điện ảnh Ý: Di sản những giấc mơ  第2张

Io Capitano từng được đề cử Oscar và Quả cầu vàng hạng mục phim nước ngoài mở màn cho Liên hoan phim Ý năm nay

Có hai cảnh phim kỳ ảo trong Io Capitano. Một cảnh khi một người phụ nữ vượt biên không thể tiếp tục lê bước giữa hoang mạc Sahara nắng cháy, bà bỗng nhiên bay lên như một trái bong bóng, tà áo xanh phất phơ, cuối cùng cũng được tự do, được giải thoát gánh nặng cho đôi chân trần trên cát bỏng;

Và cảnh còn lại, khi cậu thiếu niên trốn nhà ra đi ao ước được gửi lời xin lỗi với mẹ ở quê nhà, và rồi một người đưa tin như trong những truyền thuyết ma mị bỗng xuất hiện, bay lên, dẫn lối cho linh hồn cậu trở về cố hương và thực hiện nguyện ước.

IO CAPITANOTrailer

Ở cả hai cảnh phim ấy, đạo diễn Garrone để màn hình bị tách đôi bởi đường chân trời, nhấn mạnh sự tương phản giữa trời và đất, sự tự do của những thứ thuộc về cõi tinh thần và khổ nạn của thân xác.

Những cảnh mơ như thế như những cồn cát cho con người tạm nghỉ chân trốn lánh khỏi sự thiêu đốt của thực tại nghiệt ngã, để rồi sau đó họ lại tiếp tục lên đường. Nhờ có những giấc mơ mà hiện thực vẫn còn chịu đựng được.

Còn trong Rapito (Bắt cóc) của đạo diễn Marco Bellocchio, một tác phẩm vốn cũng xuất phát từ một chủ đề không thể nặng nề hơn: những mâu thuẫn tôn giáo trong lòng xã hội Ý thế kỷ 19 khi một cậu bé Do Thái bị bắt cóc và nuôi dạy để trở thành một tín đồ Cơ đốc giáo.

Điện ảnh Ý: Di sản những giấc mơ  第3张

Rapito (Bắt cóc) của đạo diễn Marco Bellocchio lọt vào danh sách đề cử chính thức tranh Cành cọ vàng của Liên hoan phim Cannes 2023

Ấy vậy nhưng những khoảnh khắc bừng sáng nhất của tác phẩm là khi phim vượt qua khỏi ranh giới của một phim chính kịch lịch sử thông thường, để bước vào lãnh địa của giấc mơ.

Một đêm nọ, cậu bé Edgardo Mortara (người Do Thái) bị tách lìa khỏi gia đình, lẻn vào thánh đường.

Cậu ngắm nhìn tượng Chúa Jesus một lát rồi lần lượt tháo từng chiếc đinh cắm chặt vào tay, vào bàn chân ngài. Chúa thức dậy, bước xuống và cởi bỏ vương miện gai được đội lên đầu Người, chậm rãi bỏ đi khỏi nhà thờ.

Người đi đâu? Không ai biết. Trước đó, Edgardo từng nghe giảng rằng, mỗi khi cậu thấy buồn, hãy nghĩ đến Chúa trên thập giá và niềm vui sẽ trở lại.

Nhưng một cậu bé con thì không hiểu làm sao nhìn một ai đó bị đóng đinh rớm máu lại khiến cậu thấy vui, và thế là trong mơ màng cậu giải thoát Chúa. Chỉ trong giấc mơ một đứa con nít, mọi ngả đường kỳ lạ của đức tin mới hiện ra.

Điện ảnh Ý: Mơ để trở về

Arthur là một nhà khảo cổ học với khả năng ngoại cảm tìm ra các hầm mộ cổ. Một lần nọ, anh cùng đám bạn trộm mộ phát hiện ra một hầm mộ từ nền văn minh Etruscan hàng ngàn năm trước, với bức tượng lớn tạc một nữ thần bên con sư tử bằng cẩm thạch.

Lo sợ cảnh sát ập đến, một người bạn của anh đã bẻ gãy cổ nữ thần, họ định bụng sẽ bán lại cái đầu ấy với một số tiền khổng lồ.

Bộ phim La Chimera (Giấc mơ không thành hiện thực) của đạo diễn trẻ Alice Rohrwacher không giống như Rapito hay Io Capitano, không cần đến những cảnh kỳ ảo như người bay hay Chúa thức giấc để tạo nên bầu không khí mơ.

Điện ảnh Ý: Di sản những giấc mơ  第4张

Cảnh phim La Chimera

Thế nhưng chính tại đây giấc mơ trở nên quánh đặc hơn cả. Các nhân vật bước đi trên mặt đất, nhưng ngay dưới chân họ lại là những kho báu của ngàn xưa, những nữ thần đã an giấc ngàn thu, những cổ vật đến từ một nền văn minh rực rỡ xa xôi đã sụp đổ, những xác quý tộc đã chôn chặt trong lâu đài thế giới bên kia.

Không cần phải tạo ra những phép màu huyền ảo, La Chimera vẫn tạo nên những thước phim như thánh cung huyền ảo khi tượng nữ thần lộ diện trong vùng bóng tối ẩm mốc dưới ánh nến le lói, khi đầu thần bị biển cả nuốt chửng vào đáy sâu, khi huyễn tưởng về một người tình cũ trở về trong những giấc chập chờn của Arthur, khi sợi chỉ trên áo nàng vương xuống đất.

LA CHIMERA Trailer

Tất cả đều là thực mà tất cả cũng đều là mơ, giấc mơ là một sinh vật bí ẩn náu mình ở mọi nơi: những gian buồng đã bị thời gian bỏ quên, người tình đi xa chưa trở lại, những di vật của người đã chết cả thiên niên kỷ...

Sự hiện diện của những tác phẩm điện ảnh mơ - thực đan cài ấy vào đúng thời điểm Hà Nội và miền Bắc trải qua một trận thiên tai lớn đâu đó cũng là một niềm an ủi lớn về mặt tinh thần. Văn chương Ý từng có một Decameron kể về những con người trong thời dịch hạch bùng nổ; để xoa dịu nhau, họ quây quần kể cho nhau nghe những câu chuyện lạ kỳ.

Những câu chuyện có thể chỉ là những câu chuyện, mơ có thể cũng chỉ là mơ, nhưng làm sao có thể kiên cường trở lại với hiện thực nếu thiếu đi minh triết của giấc mơ?