Qua đó, gợi mở hướng đi để khai thác hệ thống di sản, góp phần phát huy giá trị di tích, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của Thủ đô.
Đối thoại với kiến trúc trăm tuổi
Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội thành lập năm 1956, trước cách mạng tháng Tám là trụ sở của Viện Đại học Đông Dương do kiến trúc sư người Pháp Ernest Hébrard thiết kế năm 1926. Đến nay, công trình vẫn giữ nguyên vẻ ngoài cổ điển sau gần 100 năm xây dựng. Tháng 11/2013, công trình được HĐND TP Hà Nội đưa vào danh mục các công trình kiến trúc xây dựng trước năm 1954 cần tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa.
Tòa nhà Đại học Tổng hợp Hà Nội - qua góc nhìn nghệ thuật sáng tạo tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo 2024. Ảnh: BTCTrong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024, cụm tòa nhà Đại học Tổng hợp của Đại học Quốc gia Hà Nội tại 19 Lê Thánh Tông là nơi diễn ra nhiều hoạt động, tập trung vào hội thảo, tọa đàm, trưng bày, triển lãm, tour tham quan. Đặc biệt, tổ hợp triển lãm nghệ thuật tương tác “Cảm thức Đông Dương” được coi như một đại triển lãm được diễn ra với 22 tác phẩm trưng bày, sắp đặt ánh sáng khác nhau.
Sảnh chính tòa nhà là sự giao hòa của ánh sáng, tương tác và ánh xạ lên tác phẩm điêu khắc, hội họa được sắp đặt có chủ đích từ sàn tầng 1 lên mái vòm hai lớp với kiến trúc kiểu thức tân cổ điển kết hợp các họa tiết trang trí lấy cảm hứng từ Đông Dương.
Nét đẹp kiến trúc cổ điển ở cả bên trong và bên ngoài Đại học Tổng hợp còn được lưu giữ sau gần 100 năm Ảnh: Mai ThươngBước vào sảnh, công chúng có thể thấy tác phẩm sắp đặt ánh sáng của TS Trần Hậu Yên Thế - giảng viên Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội tại các ô cửa kính trên vòm tường nơi cửa chính, gợi nhớ lại những ý niệm đầu tiên của thiết kế hoa sắt lấy cảm hứng hình ảnh những chiếc bóng đèn như tượng trưng cho ánh sáng của tri thức.
Hai tác phẩm tượng chân dung họa sĩ Victor Tardieu (hiệu trưởng đầu tiên sáng lập Trường Mỹ thuật Đông Dương thuộc Đại học Đông Dương vào năm 1924) và họa sĩ Tô Ngọc Vân (Hiệu trưởng người Việt đầu tiên của Trường Mỹ thuật Việt Nam thuộc Đại học Việt Nam vào năm 1945) của điêu khắc gia Trần Quốc Thịnh được đặt trong sảnh như nét gạch nối lịch sử khi tương tác với tượng 2 nhà khoa học Ngụy Như Kon Tum và Lê Văn Thiêm (được dựng sau này thời Trường Đại học Tổng hợp).
Lên cao trên mái vòm là cụm các tác phẩm trang trí với đèn chùm của kiến trúc sư Lê Phước Anh, tác phẩm sắp đặt bia tiến sĩ trên chất liệu mika dẫn sáng có khắc chìm gợi cảm hứng bức đồ án thiết kế trang trí toà nhà Đại học Đông Dương của KTS Ernest Hebrard. Và kết thúc ở vòm trần là tác phẩm trình chiếu 3D mapping của họa sĩ Phạm Trung Hưng vẽ lại hình hai con chim phượng hoàng đã bong mờ theo thời gian.
Theo Ban Tổ chức, sự sắp đặt liên kết các tác phẩm giữa toàn bộ chiều sâu lên trên mái của sảnh chính là một đại tác phẩm lộng lẫy, gợi mở cái nhìn sâu sắc, độc đáo về kiến trúc, mỹ thuật Đông Dương và Việt Nam từ quá khứ đến đương đại.
Nguồn lực nội sinh
Hà Nội được biết đến là “Thành phố di sản”, với 5.922 di tích lịch sử, văn hóa. Những năm gần đây, hàng loạt sản phẩm du lịch đêm ra đời trên địa bàn Hà Nội, đa phần được hình thành trên nền các di sản, cho thấy tiềm lực lớn của di sản trong phát triển kinh tế sáng tạo.
Chương trình trải nghiệm tour đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám với chủ đề "Tinh hoa đạo học".Đó là di tích Nhà tù Hỏa Lò với 3 chương tour đêm mang tên “Đêm thiêng liêng”; Hoàng thành Thăng Long với tour “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”; Văn Miếu - Quốc Tử Giám với tour “Tinh hoa đạo học”; di tích đền Ngọc Sơn với tour “Ngọc Sơn - Đêm huyền bí”...
Hiện tại, TP Hà Nội đã có gần 20 tour du lịch đêm khai thác các giá trị di sản trên địa bàn. Du khách tham gia tour đêm không chỉ trải nghiệm không gian di tích về đêm mà còn “tiêu thụ” các giá trị lịch sử, văn hóa của di sản thông qua những câu chuyện được xây dựng một cách độc đáo.
Chính sự độc đáo đó mà nhiều sản phẩm du lịch di sản có sức hút lớn đối với du khách. Đơn cử, sản phẩm du lịch “Ngọc Sơn – Đêm huyền bí” dù mới ra mắt nhưng luôn thu hút đông du khách. Giám đốc Ban Quản lý di tích và danh thắng Hà Nội Nguyễn Doãn Văn cho rằng, việc khai thác hệ thống di tích góp phần phát triển du lịch được Hà Nội thực hiện hiệu quả từ nhiều năm qua. Nguồn thu từ hoạt động này góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của Thủ đô.
Mặt khác, tại các làng cổ như Đường Lâm - nơi lưu giữ những đặc trưng của nông thôn đồng bằng Bắc Bộ luôn là điểm thu hút đông đảo du khách. Với lợi thế về giá trị văn hóa, lịch sử, cảnh quan và ẩm thực đậm chất làng quê, trung bình mỗi năm, làng cổ Đường Lâm thu hút 120.000 - 130.000 lượt khách du lịch, trong đó có từ 6.000 - 7.000 lượt khách quốc tế.
Theo Trưởng ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm Nguyễn Đăng Thạo, bảo tồn và khai thác giá trị làng cổ để phát triển du lịch được thị xã Sơn Tây quan tâm. Thời gian qua, Ban Quản lý di tích luôn tạo sức hấp dẫn cho làng cổ bằng cách xây dựng nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo, mới mẻ.
Theo PGS.TS Phạm Duy Đức - nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, hệ thống các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể là nguồn tài nguyên, nguồn vốn văn hóa tạo nên động lực, nguồn lực nội sinh cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Việc khai thác hệ thống di tích góp phần phát triển du lịch, nguồn thu từ hoạt động này đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của Thủ đô. Trên thực tế cho thấy, trong nhiều năm qua, phát triển du lịch trên địa bàn Thủ đô chủ yếu tập trung vào điểm di sản văn hóa tiêu biểu như các di tích, làng nghề, văn hóa ẩm thực…
Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa bày tỏ, cùng với nguồn thu trực tiếp từ kinh doanh du lịch tại các điểm di tích lịch sử văn hóa đóng góp cho ngân sách, phát triển kinh tế Thủ đô, việc khai thác giá trị của di tích để phát triển du lịch còn tạo ra những thay đổi sinh kế cho người dân địa phương nơi hiện diện các di tích.
Vì vậy, để các nguồn lực văn hóa trở thành nguồn lực quan trọng và hiệu quả, theo PGS.TS Phạm Thị Thu Hương - Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, cần có đột phá trong tư duy phát triển cũng như cơ chế, chính sách. Trong những năm qua, Hà Nội đã có những thay đổi nhất định về cơ chế, chính sách khai mở cho văn hóa và công nghiệp sáng tạo, tuy nhiên sự thay đổi vẫn chưa đủ. Điều đó đòi hỏi Hà Nội phải tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu các giải pháp hợp lý nhất nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng Hà Nội “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại” trong bối cảnh kinh tế - xã hội mới.
Đăng thảo luận