Trong trường hợp thật cần thiết, Chủ tịch UBND các cấp được áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cấp điện, nước đối với một số trường hợp công trình vi phạm phòng cháy, chữa cháy.
Ngày 2/7, tại phiên thảo luận tổ của kỳ họp 17, HĐND TP Hà Nội khóa 16, các đại biểu tập trung cho ý kiến hoàn thiện Đề án nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng năm 2030.
Nghiên cứu công nghệ tiên tiến trong phòng cháy, chữa cháy
Đại biểu đánh giá cao công tác chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND TP trong thực hiện các biện pháp tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) trên địa bàn.
Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu đề nghị UBND TP Hà Nội tiếp tục rà soát đề án về PCCC và CNCH trên địa bàn để bảo đảm triển khai những nội dung liên quan đến đầu tư phát triển hạ tầng PCCC phù hợp với các quy hoạch Thủ đô Hà Nội.
Tòa chung cư mini bị xuống cấp phải di dời dân khẩn cấp trên địa bàn quận Thanh Xuân (TP Hà Nội).Bên cạnh đó, đề xuất những giải pháp, cơ chế, chính sách có tính đột phá thuộc thẩm quyền của thành phố, ưu tiên những giải pháp mang tính khả thi để khắc phục các tồn tại, vướng mắc trong công tác PCCC và CNCH của thành phố trong thời gian qua; đặc biệt quan tâm đến đề xuất các chế độ chính sách đặc thù cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH.
Đại biểu HĐND TP Hà Nội đề nghị cần làm rõ giai đoạn, tiến độ và phân loại các công trình, cơ sở có thể chịu thiệt hại nặng khi xảy ra cháy; ưu tiên các nhóm đối tượng, cơ sở, công trình để áp dụng sớm các giải pháp PCCC; nghiên cứu các công nghệ tiên tiến trong PCCC kết hợp với các giải pháp về hạ tầng, trật tự đô thị nhằm phát huy hiệu quả việc đầu tư các công trình, dự án PCCC.
Thành lập tổ rà soát, kiểm tra đến từng hộ dân, doanh nghiệp, từng căn hộ về công tác PCCC. Có giải pháp quy hoạch đô thị đối với những căn hộ, khu vực không đảm bảo điều kiện về PCCC.
Đề án quan trọng về phòng cháy, chữa cháy ở Thủ đô
Báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế (HĐND TP Hà Nội) nêu rõ, thực hiện chỉ đạo của Thường trực HĐND TP, cơ quan này đã phối hợp với UBND TP và Công an TP để đóng góp ý kiến đối với các nội dung cụ thể của Đề án theo từng giai đoạn; tổ chức làm việc với Công an TP, Hiệp hội PCCC & CNCH Việt Nam để làm rõ một số nội dung trong đề án.
Theo đó, Hà Nội hiện có 159.780 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC, trong đó có 8.261 cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ, 1 cảng hàng không quốc tế, 8 cảng sông, 10 khu công nghiệp, khu công nghệ cao, 70 cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và trên 500 khu dân cư, làng nghề có nguy cơ cháy, nổ cao.
Trên địa bàn TP Hà Nội có hàng loạt chung cư mini xây dựng sai phép, không đảm bảo PCCC.Tuy nhiên, điều kiện hạ tầng, giao thông, nguồn nước liên quan phục vụ chữa cháy, CNCH chưa đồng bộ để đáp ứng với tốc độ phát triển kinh tế xã hội; nhận thức, ý thức trong công tác PCCC và CNCH của một bộ phận cấp ủy, chính quyền địa phương, người đứng đầu cơ sở và người dân chưa cao.
Vì vậy, trong những năm qua, tình hình cháy, nổ trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. Trong 10 năm (2013 - 2023) xảy ra 4.459 vụ cháy, 18 vụ nổ, trên 8.000 vụ sự cố nhỏ khác gây nhiều thiệt hại về người và tài sản. Đáng chú ý, trong số các vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng, có những vụ xảy ra tại loại hình không thuộc diện quản lý về PCCC.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhiều vụ việc, lực lượng Cảnh sát PCCC & CNCH gặp khó khăn trong việc tiếp cận hiện trường để tổ chức giải cứu nạn nhân; lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở, lực lượng PCCC chuyên ngành chưa phát huy được hết vai trò, năng lực trong công tác CNCH.
Bên cạnh đó, tiến độ xử lý đối với các công trình vi phạm PCCC theo Nghị quyết 05 còn chậm do gặp nhiều bất cập, vướng mắc. Quân số, biên chế cho các Đội PCCC và CNCH chưa đáp ứng được yêu cầu, tình hình thực tế công việc; chế độ chính sách cho lực lượng chữa cháy, CNCH chưa tương xứng với mức độ nguy hiểm của nghề nghiệp...
Do đó, Ban Pháp chế thống nhất chủ trương ban hành Đề án nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn PCCC và CNCH trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng năm 2030, nhằm đề ra các nhiệm vụ, giải pháp thường xuyên và trọng tâm, đột phá, từng bước tháo gỡ, giải quyết những tồn tại, bất cập, đồng thời khai thác tối đa nguồn lực của thành phố, tập trung phát triển cho công tác PCCC và CNCH giai đoạn đến năm 2025, định hướng năm 2030.
HĐND TP Hà Nội khẳng định, việc thông qua đề án với các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá, các nhiệm vụ định kỳ thường xuyên là cần thiết, nhằm tạo hành lang pháp lý vững chắc cùng với cơ chế vận hành thống nhất, đồng bộ từng bước tháo gỡ, giải quyết những tồn tại, bất cập, khó khăn, vướng mắc trong công tác PCCC và CNCH của thành phố.
Đồng thời, khai thác tối đa nguồn lực của địa phương góp phần nâng cao năng lực và đảm bảo an toàn PCCC và CNCH của Thủ đô đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ phục vụ phát triển kinh tế xã hội trong tình hình mới.
Đăng thảo luận