20 năm gắn bó với nghề, họa sĩ Trần Hồng Vân đã thiết kế mỹ thuật sân khấu cho hơn 500 vở diễn, chương trình nghệ thuật...

.Phóng viên: Hiện chị đang thiết kế 9 tác phẩm chuẩn bị tham dự 3 liên hoan sân khấu từ đây đến cuối năm. Thực hiện nhiều dự án cùng một lúc, chị tìm chất liệu từ đâu để không bị trùng lắp?

 Họa sĩ Trần Hồng Vân: Năng động giúp tôi thích ứng trong mọi hoàn cảnh 第1张

Họa sĩ Trần Hồng Vân. (Ảnh: THANH HIỆP)

- Họa sĩ TRẦN HỒNG VÂN: Đúng lúc có đến 3 cuộc liên hoan: Liên hoan Sân khấu cải lương, Liên hoan Sân khấu thủ đô và Liên hoan Sân khấu TP HCM, nên công việc dồn dập, điểm lại có 9 vở mà tôi phải thực hiện thiết kế mỹ thuật theo quy trình cuốn chiếu, đó là: vở "San hô đỏ" (Nhà hát Trần Hữu Trang), "Chất ngọc" (Nhà hát Tây Đô), "Cánh cửa khép hờ" (Nhà hát Cải lương Việt Nam), "Cõi tình mong manh" (Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai), "Chân mệnh" (Hội Văn học Nghệ thuật Cần Thơ), "Khát vọng bình yên" (Nhà hát Kịch TP HCM), "Con người rừng tràm" (Đoàn Cải lương Long An), "Vùng đất kỳ bí" (Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam) và "Cái làng kỳ lạ" (Sân khấu Nghệ thuật Trương Hùng Minh).

 Họa sĩ Trần Hồng Vân: Năng động giúp tôi thích ứng trong mọi hoàn cảnh 第2张

Vở “Bên dòng Long Khốt” của Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An, đoạt giải xuất sắc tại Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2021, do họa sĩ Trần Hồng Vân thiết kế sân khấu (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Chất liệu mà tôi tìm thấy chính từ kịch bản, tôi đọc, nghiền ngẫm, trao đổi với tác giả, đạo diễn, mỗi kịch bản đều có hương vị riêng nên cũng khó trùng lắp.

.Vì sao chị chọn học thiết kế mỹ thuật sân khấu - điện ảnh tại Trường Cao đẳng Sân khấu - Điện ảnh TP HCM?

- Đó là cơ duyên. Có lẽ nghề chọn tôi thì đúng hơn vì ban đầu tôi mê kiến trúc nhưng sau đó thi vào chuyên ngành thiết kế sân khấu. Lớp có 12 học viên nhưng ra trường chỉ còn 5 người làm bài tốt nghiệp, 3 người theo điện ảnh, 2 người theo sân khấu. Và hôm nay chỉ còn tôi trụ lại được với nghề thiết kế mỹ thuật sân khấu. Hai năm sau, tôi được nhận giải Họa sĩ xuất sắc tại Hội diễn Sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc năm 2009 với vở "Dòng nhớ" của NSƯT Hạnh Thúy.

.Trong số các giải thưởng đã nhận, chị thích vở diễn nào nhất về mặt thiết kế mỹ thuật?

- Vở nào tôi cũng thích vì nó là đứa con tinh thần của mình. Tôi học nhiều từ những tác phẩm của mình, mỗi vở là cơ hội để được chạm tới những ngôn ngữ khác nhau về mỹ thuật sân khấu. Điều tôi hướng đến là đạt hiệu quả cao về hiệu ứng dàn dựng. Trong từng vở, cảnh diễn, bối cảnh không gian luôn là yếu tố quan trọng, vì khi mở màn, điều đầu tiên hấp dẫn khán giả chính là thiết kế sân khấu.

Hiện nay, quá nhiều vở lạm dụng sử dụng màn ảnh LED, điều này phá hỏng yếu tố mỹ thuật. Nếu màn ảnh LED được thiết kế đúng chỗ sẽ hỗ trợ rất nhiều cho diễn xuất nhưng lạm dụng để thay dần cảnh trí sân khấu dẫn đến chỗ triệt tiêu sáng tạo của đạo diễn.

.Sau nhiều năm chuẩn bị, chị đã gầy dựng được Học viện Sáng tạo Mây Đỏ với mong muốn góp phần thay đổi tư duy về hoạt động thiết kế mỹ thuật sân khấu. Công việc có ý nghĩa gì đối với sự nghiệp của chị?

- Tôi được học từ nhiều thầy cô trong nghề, từ thiết kế cho đến đạo diễn, họ đều tâm huyết bổ sung nhân lực làm nghề thiết kế sân khấu. Đây là điều cấp bách vì thế hệ trẻ làm nghề chỉ theo bản năng, chứ không được đào tạo cơ bản.

Tôi luôn mong mỏi sân khấu TP HCM có được một chương trình đạt chuẩn quốc tế, phục vụ du khách. Nơi đó sẽ giới thiệu sân khấu được đầu tư đúng chuẩn, hoành tráng, mang đậm bản sắc Việt Nam. Không chỉ ở mặt thiết kế nổi trội mà lực lượng diễn viên, đạo diễn, âm thanh, ánh sáng, nội dung, tính nghệ thuật… cũng đạt được chất lượng cao nhằm kiến tạo những giá trị thẩm mỹ mới cho người xem.