Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ Khởi nghiệp, Đại học (ĐH) Quốc gia Hà Nội vừa tổ chức chương trình kết nối các nhà khoa học, nhóm nghiên cứu và doanh nghiệp nhằm thu hút các ý tưởng, giải pháp để giải quyết các đầu bài từ thực tiễn, từ đó gia tăng các hoạt động chuyển giao, thương mại hóa các sản phẩm khoa học công nghệ.
Đồng thời, phát triển các doanh nghiệp start - up/ spin - off (doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, được hình thành dựa trên cơ sở áp dụng, khai thác các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ được tạo ra ở viện nghiên cứu, trường đại học hoặc do cá nhân hoặc tập thể các nhà khoa học, kĩ sư…).
Đại diện cho các nhà khoa học của ĐH Quốc gia Hà Nội, TS Hoàng Văn Hà, Khoa Hoá học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên cho biết các nhà khoa học rất muốn thương mại hóa các công trình nghiên cứu khoa học của mình để sản phẩm do mình nghiên cứu được góp phần phục vụ cộng đồng và người dân. Tuy nhiên, họ vẫn đang gặp nhiều khó khăn và hạn chế trong việc kinh doanh, gọi vốn, bán hàng. Đó là những hạn chế rất cần nhận được sự hỗ trợ từ đơn vị ươm tạo hỗ trợ để thương mại hoá “đứa con tinh thần”, là sản phẩm khoa học và công nghệ do họ tạo ra và thành lập doanh nghiệp để đưa sản phẩm đó vào thị trường.
Anh hùng Lao động Trương Văn Hiền, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tổng công ty cổ phần vật tư nông nghiệp Nghệ An chia sẻ, trong quá trình sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp có nhiều vấn đề nảy sinh rất cần sự tư vấn, hỗ trợ, đồng hành của nhà khoa học. Tuy nhiên việc thiếu thông tin, thiếu kênh kết nối là hạn chế khiến doanh nghiệp - nhà trường - nhà khoa học chưa kết nối được với nhau.
Theo ông Hiền đánh giá, sự hợp tác giữa doanh nghiệp và các nhà khoa học đã đem lại giá trị gia tăng và góp phần vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Trong thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục tiến hành các hoạt động hợp tác nghiên cứu theo đặt hàng để tiếp tục đưa ra những sản phẩm tốt, chất lượng phục vụ nhân dân.
TS Trương Ngọc Kiểm, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ Khởi nghiệp chia sẻ, việc tăng cường hợp tác giữa nhà khoa học/nhóm nghiên cứu với các doanh nghiệp rất quan trọng. Đây là xu thế tất yếu trong quá trình phát triển của các quốc gia để gắn nghiên cứu khoa học với thực tiễn, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn và giải quyết các bài toán thực tiễn. Điều này giúp các kết quả, sản phẩm nghiên cứu nhanh chóng được áp dụng trong thực tiễn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.
Việc hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và phát triển các doanh nghiệp spin-off, start-up trong trường đại học là giải pháp mang tính chiến lược để đạt được các mục tiêu đó, đặc biệt là phát huy vai trò của các doanh nhân, doanh nghiệp tham gia vào quá trình thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hỗ trợ khởi nghiệp một cách thiết thực, hiệu quả.
Trong khuôn khổ chương trình, Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ Khởi nghiệp đã tiến hành trao kết quả đăng ký sở hữu trí tuệ (sáng chế, giải pháp hữu ích, bản quyền) cho 20 sản phẩm của các nhà khoa học ĐH Quốc gia Hà Nội.
Bên cạnh đó, 5 dự án đã được ký kết hợp đồng ươm tạo để hoàn thiện công nghệ và có thể trở thành các doanh nghiệp trong thời gian tới.
Xem nhiềuGiáo dục
Quảng Ninh miễn phí 167 tỷ đồng học phí cho học sinh năm học 2024 - 2025
Giáo dục
Tranh cãi chuyện giải tán ban phụ huynh
Giáo dục
TPHCM: Phụ huynh bị 'vận động' đóng góp ít nhất 200.000 đồng làm đường
Giáo dục
Trường học chỉ phát giấy khen học sinh ủng hộ bão lũ từ 100.000 đồng trở lên
Giáo dục
Đăng thảo luận