Sau ba ngày đau đầu, nôn ói, bé trai 14 tuổi hôn mê, bác sĩ hai bệnh viện ở Cần Thơ hội chẩn xác định đột quỵ xuất huyết não, phù não vùng đồi thị.

Trước đó bé được đưa vào Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ cấp cứu, bác sĩ nghi ngờ đột quỵ nên hội chẩn với đồng nghiệp khoa Thần kinh và Can thiệp Nội mạch của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ. Kết quả chụp MRI sau đó xác định bé đột quỵ xuất huyết não do tắc tình mạch Galen.

Các bác sĩ bệnh viện S.I.S Cần Thơ can thiệp, lấy ra rất nhiều cục máu đông trong tĩnh mạch Galen và xoang thẳng của bệnh nhi, khai thông tĩnh mạch bị tắc nghẽn. Sau đó, bệnh nhi được hồi sức tích cực, duy trì kháng đông dự phòng máu đông.

Hiện tri giác và sức cơ của em đã cải thiện, có thể đi lại, hết đau đầu, được xuất viện. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, bệnh nhi được Quỹ từ thiện bệnh nhân nghèo đột quỵ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cùng Hội Chữa lành trái tim hỗ trợ kinh phí điều trị 30 triệu đồng.

"Đây là trường hợp đột quỵ khá hiếm gặp đối với trẻ nhỏ", bác sĩ Lê Minh Thắng, Đơn vị Can thiệp mạch DSA, Bệnh viện S.I.S Cần Thơ, cho biết.

Bé trai 14 tuổi đột quỵ xuất huyết não  第1张

Bác sĩ khám cho bệnh nhi sau can thiệp. Ảnh: Kim Ngân

Đột quỵ có hai dạng là nhồi máu não (thiếu máu não cục bộ) và xuất huyết não (chảy máu não), tuổi bệnh nhân ngày càng trẻ. Tỷ lệ xuất huyết não chiếm khoảng 15% ca đột quỵ, trong đó hơn 90% nguyên nhân do tăng huyết áp, chỉ một số ít bởi dị dạng mạch máu não.

Các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh hết sức lưu ý, khi con em đau đầu âm ỉ kéo dài, co giật, yếu nửa người, nôn ói, lơ mơ... cần đưa đến bệnh viện chuyên khoa để bác sĩ chẩn đoán và điều trị kịp thời. Nếu trễ thời gian vàng (dưới 6 giờ kể từ khi khởi phát) sẽ bỏ lỡ cơ hội điều trị tốt nhất, ảnh hưởng đến quá trình hồi phục và phát triển toàn diện của trẻ sau này, thậm chí nguy hiểm tính mạng.

An Bình