Tôi tên là Thơ - người con gái sinh ra từ làng quan họ.

Làng tôi nằm uốn khúc quanh co bên con đê sông Cầu bao năm nước chảy. Bà ngoại tôi kể, mẹ đặt cho tôi cái tên đó, bởi nó là tính từ trong một câu hát quan họ mà mẹ tôi hay ngân nga: "Sông Cầu - nước chảy lơ thơ. Đôi ta thương nhớ bao giờ cho nguôi?". Mẹ tôi là nghệ sĩ hát quan họ, câu hát thấm đẫm trong đôi mắt lúng liếng, nụ cười thật duyên và chiếc má lúm đồng tiền ẩn hiện của mẹ.

"Lóng lánh à, lóng í à lánh ơi! Mắt người lóng lánh như sao trên trời".

Mẹ tôi e thẹn nép sau vành nón quai thao, chú Lai nền nẩy trong câu hát, khẽ chạm vào tay mẹ tôi không chịu buông ra. Mẹ tôi yêu chú Lai từ lúc nào chẳng biết.

Bà thím thủ thỉ với mẹ tôi rằng:

"Quan họ có lời nguyền: Người hát quan họ không bao giờ lấy nhau".

Bà thím cũng từng là người hát quan họ nhưng đổi nghề từ khi lấy ông chú tôi. Nhưng làm sao mẹ tôi tin được điều đó, bởi miếng trầu mẹ têm vẫn thắm, câu quan họ mẹ hát cùng chú Lai vẫn tình. Chú Lai thường đi đò sang bên này sông, mẹ tôi đứng dưới gốc cậy gạo bên con đê đầu làng đợi chú Lai qua đón. Họ ngồi trên bờ đê, hát cho nhau nghe, tới canh khuya, khi vầng trăng chếch, chú Lai lại gọi ông Thung lái đò, đưa chú trở về bên kia sông trong lòng đầy nỗi nhớ.

Chuyện tình của chú Lai và mẹ tôi sẽ đẹp như một bài thơ nếu như không có một biến cố xảy ra với gia đình tôi. Bà ngoại mỗi lần kể vẫn rưng rưng nước mắt. Ông ngoại tôi năm đó chung tiền với ông Tiến xóm Chài để mua thuyền và máy khai thác cát dưới sông. Cát đem lên bờ, đổ thành đống bán cho các công trình xây dựng. Người ta chung vốn làm ăn thì lãi to. Ông tôi chung vốn, thuyền bè chưa mua được, phải đi vay nặng lãi để góp thêm vào. Nhưng ông Tiến cầm quỹ, ôm tiền của ông tôi và mấy người khác đi vượt biên mất hút. Nhà tôi rơi vào cảnh túng quẫn, không có khả năng trả nợ cho ông.

 VẾT ĐỢI 第1张

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Ông tôi đi bộ đội về, chẳng hiểu sao không thể sinh thêm được với bà tôi một mụn con nào nữa. Ông bà chỉ có mẹ tôi.

Mẹ tôi theo đoàn quan họ đi hát, tiền kiếm được chẳng bao nhiêu so với món nợ của gia đình. Hằng ngày, tiếng người vào đòi nợ thuê át đi tiếng hát của mẹ. Ông tôi cũng vì nghĩ ngợi nhiều mà lăn ra ốm. Bà tôi vét đến hạt thóc cuối cùng trong chiếc hòm gỗ đem bán cố mà không thấm tháp gì với món nợ ông vay.

Chú Lai ít sang sông thăm mẹ tôi hơn. Chú theo đoàn đi biểu diễn khắp mọi miền xa xôi, đến những nơi làng mở hội. Câu hát của chú nền nẩy ngân lên, chú nắm lấy bàn tay cô Thương mềm mại. Cô ấy rất xinh. Thực ra, mẹ tôi nói lời chia tay với chú Lai trước đó. Mẹ có mang với một người đàn ông khác, người ấy là ai, bố tôi là ai mẹ nhất định không nói. Bà ngoại chỉ kể rằng một buổi trưa hè đầy mây xám vần vũ trên bầu trời, mẹ cầm theo rất nhiều tiền về trả nợ cho ông. Mẹ đã khóc ròng cả một ngày đến nỗi không ai dỗ nín được. Còn ông tôi, ông ốm được ba tháng thì ra đi.