Khi có tai nạn, bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là 'phao cứu sinh' trong việc bồi thường cho nạn nhân. Thế nhưng sau hơn 10 năm triển khai, nhiều người dân vẫn chưa thật sự mặn mà với bảo hiểm nhân văn này.

Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự với xe máy: Vì sao người hững hờ?  第1张

Mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự và tự nguyện để giảm gánh nặng tài chính khi chẳng may có tai nạn - Ảnh: THANH HIỆP

Bảo hiểm này chia sẻ gánh nặng tài chính cho bên gây tai nạn trong việc đền bù. Nhưng chủ xe vẫn thờ ơ với sản phẩm bảo hiểm này. Vì sao?

Chính sự thiếu thiện chí trong chi trả khiến người dân quay lưng. Chỉ có bồi thường dễ dàng, hợp lý mới giúp người dân có niềm tin vào sản phẩm bảo hiểm này.

Chuyên gia Trần Nguyên Đán

Chuyên gia Trần Nguyên Đán (chủ nhiệm Cộng đồng Bảo hiểm và Quản trị rủi ro tài chính):

Bồi thường dễ dàng, người dân mới có niềm tin

Bản chất của bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự (TNDS) của chủ xe cơ giới là bảo vệ nạn nhân trong vụ tai nạn giao thông. Bởi trong các vụ tai nạn, có không ít trường hợp chủ xe chết, hoặc không có khả năng đền bù, thậm chí không có thiện chí bồi thường cho người bị mình gây tai nạn.

Ở nhiều quốc gia Âu - Mỹ, các sản phẩm như bảo hiểm tai nạn người ngồi trên xe, bảo hiểm chống mất cắp xe... đều bán theo hình thức tự nguyện. Nhưng riêng bảo hiểm TNDS của chủ xe cơ giới đối với bên thứ ba - nạn nhân - là bắt buộc phải mua, nếu không sẽ bị tịch thu xe.

  • Kiến nghị bỏ quy định bắt buộc mua bảo hiểm xe máy

  • Mê cung bồi thường bảo hiểm xe máy

Việc mua bảo hiểm là cách ràng buộc để người tham gia giao thông thấy trách nhiệm của mình đối với người khác. Nếu ra đường, chạy ẩu hoặc không may đâm xe khiến người khác bị thương hoặc tử vong, thì lấy tiền đâu đền? Đó là lúc bảo hiểm vào cuộc.

Bảo hiểm bắt buộc TNDS là sản phẩm cần thiết, quan trọng, nhưng hiện tại vẫn chưa phát huy tốt vai trò của mình. Nhiều người không biết mình đang mua bảo hiểm này để làm gì, chỉ mua vì sợ bị phạt. Mặc dù thủ tục để nhận bồi thường đã giảm so với trước kia, nhưng có những người dân phản ánh vẫn bị khó dễ khi yêu cầu bồi thường.

Khi tai nạn xảy ra, điều quan trọng là phải cứu chữa nạn nhân, hạn chế tổn thất. Do đó, khi khách hàng hoặc người chứng kiến liên hệ, phía công ty bảo hiểm phải cử người tới lấy thông tin, hình ảnh và giải quyết bồi thường nhanh chóng.

Để phát huy hiệu quả của sản phẩm bảo hiểm này, Bộ Tài chính cũng cần phải lấy ý kiến người dân, không phải theo hướng nên bỏ hay giữ sản phẩm này, mà làm sao bồi thường dễ dàng nhất có thể. Doanh nghiệp bảo hiểm xây dựng quy trình bồi thường bài bản, thuận tiện cho khách hàng.

Khách hàng mua bảo hiểm mà không biết mình được quyền lợi gì, khi có sự cố phải làm thế nào, thì lỗi do công ty bảo hiểm, bán quá dễ dàng nhưng thiếu cung cấp thông tin cho khách.

Bà Hồ Thị Ngọc Như (chuyên gia của Học viện Bảo hiểm và quản trị rủi ro tài chính - IFRM):

Có cơ chế giám sát việc bồi thường

Bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới là cần thiết. Khi có tai nạn, bảo hiểm sẽ đền bù cho nạn nhân, giúp giảm gánh nặng tài chính của chủ xe, đặc biệt với những người có hoàn cảnh khó khăn.

Tôi đã chứng kiến một số trường hợp được bảo hiểm chi trả thuốc men, điều trị... Họ ở nhiều tỉnh thành khác nhau. Tuy nhiên điều này dường như là thiểu số. Nhiều người dân cảm thấy phiền hà trong khâu làm thủ tục để được bồi thường.

Để phát huy vai trò an sinh xã hội của sản phẩm này, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) phải có quy trình rõ ràng, cơ chế giám sát việc xử lý bồi thường của các doanh nghiệp một cách chặt chẽ, quyết liệt.

Quy trình nhận bồi thường bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe máy - Đồ họa: T.ĐẠT

Theo thông tin từ Bộ Tài chính, trong năm 2024 bộ sẽ thanh tra triển khai bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới đối với bốn doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ. Đồng thời kiểm tra chuyên đề việc chấp hành quy định pháp luật về bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe máy đối với tám doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ.

5 điểm cần biết về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự

1. Bồi thường cho người và tài sản

Khi xảy ra tai nạn gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, người dân cần báo về công ty bảo hiểm. Số tiền tối đa bồi thường là 150 triệu đồng cho một người/vụ tai nạn, và 50 triệu đồng cho tài sản/vụ tai nạn.

2. Doanh nghiệp phải tạm ứng bồi thường, không chờ đến khi xong hồ sơ

Trong vòng ba ngày kể từ ngày nhận được thông báo vụ tai nạn, doanh nghiệp phải tạm ứng ngay cho người tham gia bảo hiểm. Cụ thể, tạm ứng 70% mức trách nhiệm bảo hiểm đối với trường hợp tử vong, 50% với trường hợp tổn thương bộ phận được điều trị cấp cứu. Trường hợp vụ tai nạn chưa xác định thì tạm ứng tương ứng 30% và 10%.

3. Doanh nghiệp chịu trách nhiệm thu thập hồ sơ bồi thường, tài liệu

Các doanh nghiệp bảo hiểm phải thiết lập đường dây nóng 24/7 để kịp thời tiếp nhận thông tin tai nạn, hướng dẫn, giải đáp cho chủ xe.

Khi nhận được thông báo về tai nạn, trong vòng một giờ phải hướng dẫn hồ sơ, thủ tục yêu cầu bồi thường. Trong vòng 24 giờ, tổ chức giám định tổn thất xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất làm căn cứ giải quyết bồi thường bảo hiểm.

Doanh nghiệp bảo hiểm thu thập các tài liệu hồ sơ bồi thường bảo hiểm gồm: tài liệu liên quan từ cơ quan công an, biên bản giám định.

4. Tăng chi hỗ trợ nhân đạo

Trường hợp không xác định được xe gây tai nạn, xe không tham gia bảo hiểm và các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, phải được chi hỗ trợ nhân đạo. Mức chi là 45 triệu đồng/người/vụ cho các nạn nhân tử vong, 15 triệu đồng/người/vụ cho các nạn nhân thiệt hại về sức khỏe, tính mạng được điều trị tại phòng cấp cứu theo quy định pháp luật về y tế.

5. Bảo hiểm xe máy có thể mua đến 3 năm

Thời hạn bảo hiểm tối thiểu một năm và tối đa là ba năm đối với xe máy, tối thiểu là một năm và tối đa tương ứng thời hạn kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của ô tô.

Người được đền bù, người mang ấm ức

Vào giữa năm nay, chị B.T. đi trên đường ở huyện Đức Hòa (Long An), sơ ý nên tông xe vào người khác. Sau khi hoàn thành trách nhiệm của mình đối với nạn nhân trong việc chữa trị, chị cầm các tài liệu liên quan và nộp cho công ty bảo hiểm.

Ngay sau đó, chị được công ty trả thẳng 50 triệu đồng vào tài khoản cá nhân, bù đắp lại số tiền đã chi cho nạn nhân. Tuy nhiên, không phải ai cũng suôn sẻ như chị.

"Gia đình tôi hai lần bị tai nạn mà công ty bảo hiểm có đền bù gì đâu", anh Trần Hùng cho hay. Trong khi đó, chị D. chia sẻ: "Tôi bị tai nạn, gọi tổng đài ba bốn lần... Nói tí có người đến hiện trường. Chờ ba tháng sau chưa thấy ai gọi lại".

Có bằng lái hơn chục năm nay, đều đặn mỗi năm đều mua bảo hiểm này, nhưng chị Lan Anh (39 tuổi) chưa bao giờ sử dụng, dù từng trải qua hai lần va chạm với người khác.

"Tai nạn, ngã nhào, người ta bị thương ở chân, máu chảy nhiều. Thấy cảnh đó mình cũng hoảng sợ, phải nhờ người khác chở nạn nhân đến bệnh viện. Tiền khâu vết thương, điều trị, thăm nom... toàn bộ mình bỏ tiền túi ra trả. Thật sự không có niềm tin bảo hiểm sẽ trả cho mình", chị Lan Anh nói.

"Nếu đại diện công ty bảo hiểm có mặt kịp thời để xác minh vụ việc khi xảy ra tai nạn thì bảo hiểm xe máy là cần thiết. Còn nếu tai nạn xảy ra người dân không có cơ hội để có đủ chứng cứ cung cấp cho các cơ quan chức năng thì bảo hiểm chỉ là hình thức", bạn đọc có tài khoản diem****@gmail.com góp ý.

Là người bán bảo hiểm xe máy từ ngày đầu có quy định, bạn đọc Tuấn chia sẻ: "20 năm qua, tôi nhận biết bao nhiêu lời phàn nàn, phản ánh của người mua. Vấn đề là giải quyết bồi thường phải dễ dàng, người ta tai nạn khốn khổ rồi còn lại thêm thủ tục rắc rối nữa".