Chương trình NTM giai đoạn này, tỉnh Khánh Hoà chú trọng triển khai 10 nội dung thành phần bao quát gần như tất cả các lĩnh vực trong đời sống kinh tế, xã hội ở khu vực nông thôn.

Trong nửa chặng đường thực hiện chương trình NTM giai đoạn 2021-2025, việc tỉnh Khánh Hoà đẩy mạnh triển khai các chương trình chuyên đề và các nội dung thành phần quan trọng là chìa khóa góp phần đảm bảo mục tiêu nâng cao đời sống kinh tế, xã hội cho người dân khu vực nông thôn, góp phần xóa nghèo và phát triển bền vững.

Đến nay, toàn tỉnh có 63/92 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Trong đó, có 10 xã đạt NTM nâng cao; số tiêu chí đạt chuẩn NTM bình quân chung trên địa bàn toàn tỉnh là 13,6 tiêu chí/xã.

Khánh Hoà triển khai 10 nội dung thành phần bao quát ở khu vực nông thôn  第1张 Toàn tỉnh Khánh Hoà có 63/92 xã được công nhận đạt chuẩn NTM.

Chuyển đổi cây trồng, vật nuôi của người dân nông thôn

Đáng chú ý, giai đoạn này, tỉnh chú trọng triển khai 10 nội dung thành phần bao quát gần như tất cả các lĩnh vực trong đời sống kinh tế, xã hội ở khu vực nông thôn. Nổi bật là quá trình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi của người dân nông thôn.

Theo đó, năm 2021, tỉnh phân bổ hơn 22 tỷ đồng hỗ trợ người dân chuyển đổi cây trồng, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ lúa giống; chăn nuôi tập trung; ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; phát triển ngành nghề nông thôn... Năm 2022, đã có gần 3,5 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh hỗ trợ người dân chuyển đổi gần 110ha cây trồng. Người dân tập trung chuyển đổi từ vườn rẫy tạp sang các loại cây có giá trị kinh tế cao như: Sầu riêng, xoài, dừa, mít, chuối, cam, bưởi, rau đậu… Năm 2023, tỉnh cũng đã hoàn tất phân bổ gần 3,4 tỷ đồng hỗ trợ chuyển đổi cây trồng để các địa phương hỗ trợ cho người dân.

Bên cạnh đó, tỉnh triển khai hàng loạt mô hình trình diễn về cây trồng, vật nuôi và hình thức tổ chức sản xuất nhằm hỗ trợ cư dân khu vực nông thôn từng bước thay đổi cách thức sản xuất nông nghiệp. Nhiều giải pháp đã được chuyển giao cho người dân như: Thâm canh cây mãng cầu Thái, trồng cây đinh lăng đáp ứng tiêu chuẩn “Thực hành tốt nuôi trồng và thu hái” (GACP); nuôi dê sinh sản chất lượng cao; nuôi tôm sú kết hợp cá dìa, cá dò; nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn trên ao lót bạt ứng dụng công nghệ Semi-Biofloc; ứng dụng công nghệ sông trong ao để nuôi cá biển…

Kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) có nhiều kết quả quan trọng

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tổ chức kinh doanh theo hướng đa dạng hóa các khâu dịch vụ, đáp ứng cơ bản các yêu cầu của sản xuất nông nghiệp. Nhiều HTX hoạt động gắn với sản phẩm chủ lực của vùng, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, thực hiện liên kết theo chuỗi, liên kết với các siêu thị để tiêu thụ sản phẩm. Chẳng hạn như hầu hết các HTX lúa ở Diên Khánh cung cấp trọn gói dịch vụ, đặc biệt là ký kết tiêu thụ lúa với các doanh nghiệp cho thành viên. Hoặc các HTX cây ăn quả gắn liền với sản xuất đạt chuẩn VietGAP, mã số vùng trồng, tham gia chương trình OCOP để hoàn thiện sản phẩm và xây dựng kênh phân phối bài bản như: Sầu riêng ở Khánh Sơn, bưởi da xanh ở Khánh Vĩnh, xoài ở Cam Lâm, táo ở Cam Ranh…

Trong các nội dung thành phần của chương trình NTM giai đoạn này, việc chăm lo nâng cao chất lượng đời sống nhân dân vùng nông thôn cũng được thực hiện rộng khắp, đem lại hiệu quả bước đầu. Công tác giảm nghèo và an sinh xã hội triển khai nhiều nội dung, chương trình thiết thực, trợ giúp các hộ thoát nghèo. Nhờ đó, đến hết năm 2022, khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh chỉ còn 9.249 hộ nghèo/202.322 hộ dân (tỷ lệ 4,57%). Tỉnh tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn 92 xã về xóa mù chữ, phổ cập giáo dục mầm non, tiểu học, THCS. Y tế nông thôn được đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực chất lượng, đủ điều kiện phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân...