Các quận nội thành của Hà Nội, TP HCM có thể dùng diện tích sàn thay cho diện tích đất, khi xây trường học.

Nội dung này được đề cập trong Nghị định 125 được Chính phủ ký ban hành hôm 5/10 về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục.

Theo đó, trường mầm non, phổ thông khi thành lập cần đáp ứng các điều kiện cơ bản về đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị, chương trình giáo dục, nhân lực. So với trước, những tiêu chuẩn cụ thể như diện tích đất tối thiểu trên một học sinh, hay các thiết bị cần có cho hoạt động giáo dục đã được bỏ.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết thay đổi này nhằm tạo ra sự linh hoạt, phù hợp với việc điều chỉnh chương trình giáo dục theo sự phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng đó, nghị định bổ sung tiêu chí về diện tích sàn, nêu rõ: Với khu vực nội thành của các đô thị đặc biệt, trường học có thể dùng diện tích sàn thay cho diện tích khu đất xây trường.

Cả nước có hai đô thị đặc biệt là Hà Nội và TP HCM. Theo Bộ, nhiều trường học ở các địa bàn đông dân đang quá tải, trong khi quỹ đất để xây trường ngày càng ít.

"Quy định mới nhằm khắc phục phần nào hạn chế tại các khu vực đô thị có mật độ dân số cao", Bộ cho biết.

Nới điều kiện xây trường cho Hà Nội, TP HCM  第1张

Học sinh trường THC Dịch Vọng, Hà Nội. Ảnh: Ngọc Thành

Hiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định diện tích đất xây trường bình quân tối thiểu là 10-12 m2 với một trẻ mầm non, 6-10 m2 với học sinh từ tiểu học đến THPT. Để đạt trường chuẩn quốc gia cấp độ 1, 2, các trường còn phải đạt nhiều tiêu chí khác, như có thêm phòng học chức năng; khu sân chơi, bãi tập chiếm ít nhất bằng 25% tổng diện tích sử dụng của trường.

Lãnh đạo thành phố và ngành giáo dục Hà Nội nhiều lần kiến nghị được hưởng cơ chế đặc thù, trong đó có việc tính diện tích sàn thay đất sử dụng, cho các trường ở nội thành nâng tầng và xây thêm tầng hầm... Việc này nhằm giúp thành phố tận dụng hiệu quả quỹ đất để xây thêm trường, giảm sĩ số lớp, giảm áp lực cho kỳ thi vào lớp 10 mà các trường vẫn đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia.

Tháng 7/2023, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết ủng hộ đề xuất của Hà Nội vì "không gian đô thị có đặc thù riêng", song nhấn mạnh làm gì "cũng phải đảm bảo không gian và an toàn".

Năm học 2024-2025, cả nước có khoảng 23 triệu trẻ mầm non và học sinh phổ thông. Hà Nội đông nhất với 2,3 triệu, TP HCM có hơn 1,7 triệu, chiếm 17% số học sinh cả nước.

Thanh Hằng