TTO - Ngành công nghiệp chế biến sữa ở Trung Quốc, trị giá 40 tỉ USD mỗi năm, đã và đang đạt mức tăng trưởng trung bình hằng năm 12% kể từ năm 2000, nhờ dân số Trung Quốc ngày càng giàu lên và người ta ngày càng có nhu cầu canxi cho cơ thể nhiều hơn.

Nông dân Ren Xiangjun than phiền vì đất đai của mình bị ô nhiễm do trang trại bò - Ảnh: AFP

Năm 2006, Thủ tướng Ôn Gia Bảo từng bày tỏ “giấc mơ” trẻ em Trung Quốc có thể được cung cấp 0,5kg sản phẩm sữa mỗi ngày.

Tuy nhiên, vụ bê bối sữa nhiễm melamine năm 2008 đã buộc chính quyền trung ương quyết tâm đầu tư các “siêu trang trại” bò sữa với quy mô lên đến 10.000 con, theo Hãng thông tấn AFP. Chính quyền cho rằng thiết lập các cơ sở chăn nuôi hiện đại vừa dễ đầu tư lại vừa dễ kiểm soát chất lượng.

Trên thế giới, nhiều quốc gia cũng có các trang trại bò sữa cỡ lớn, như New Zealand, tuy nhiên hiếm có trang trại nào mà có đến 3.000 con tại một cơ sở.

Thế mà năm 2014, Trung Quốc từng khoe có 56 trang trại với quy mô 10.000 con hoặc thậm chí hơn.

Tuy nhiên, chính điều này đã gây ra hàng loạt hệ lụy môi trường tại nhiều địa phương, đầu tiên là về mùi.

Các phép tính cho thấy chỉ 3.500 con bò thôi đã có thể tạo ra đến 100.000 tấn chất thải lỏng mỗi năm. Trong khi đó, dù các trang trại ở Trung Quốc được yêu cầu phải xử lý chất thải động vật thành phân bón, nhưng quy định này thường bị coi thường.

“Mùi phân rất nặng vào mùa hè” - ông Ren Xiangjun, một nông dân ở huyện Cam Nam, tỉnh Hắc Long Giang, than thở. Ngoài ra, ông Xiangjun cũng than phiền về tình trạng ô nhiễm do vỏ thuốc và ống tiêm chích cho gia súc bị vứt ra đất sau khi sử dụng xong.

Nhiều nông dân cho biết giờ đây không dám sử dụng các loại nông sản trồng trên đất gần các siêu trang trại bởi họ sợ chúng đã nhiễm độc. Chưa kể một số công nhân trang trại than phiền bị nhiễm bệnh lây từ gia súc.

Theo AFP, một trong những tín hiệu tích cực là một bộ phận quan chức của Trung Quốc đã có động thái quan tâm đến tình hình ô nhiễm này.

Ông David Mahon, người sáng lập một công ty đầu tư tại Bắc Kinh chuyên về sữa, cho biết chính quyền Bắc Kinh đã “thực sự suy nghĩ lại” và đã giám sát các trang trại hàng đầu chặt chẽ hơn.

Năm 2014, ông Yang Liguo, phó giám đốc Hiệp hội sữa Trung Quốc, cũng từng phát biểu rằng “quy mô càng lớn, vấn nạn môi trường, ô nhiễm và an toàn sinh học càng to”.